Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa gửi báo cáo số 6222/BGTVT-VP tới Thủ tướng Chính phủ về sự cố xảy ra tại Dự án Xây dựng cầu Cần Thơ. Văn bản nguồn đầy đủ từ trang VietNamNet:
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Hồi 7 giờ 55 phút ngày 26 tháng 9 năm 2007, khi công nhân bắt đầu ca làm việc tại 2 nhịp trên các trụ neo từ trụ P13 đến trụ P15 cầu chính thuộc gói thầu số 2 Dự án xây dựng cầu Cần Thơ thì sự cố đột nhiên xảy ra. Toàn bộ hệ thống đà giáo, ván khuôn chống đỡ phần kết cấu dầm hộp bêtông cốt thép đã bị sập đổ và khối lượng bêtông dầm đã thi công từ những ngày trước khoảng 2.000m3 đã bị phá huỷ hoàn toàn.
I. Sơ lược về dự án
Dự án có chiều dài 15,85km là tuyến đường tránh quốc lộ 1A vượt sông Hậu Giang. Điểm đầu Dự án: Km 2.061-QL1A, thuộc huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, cách bến phà Cần Thơ khoảng 3,2km về phía hạ lưu; sau khi vượt sông tiếp tục đi về hướng tây gặp Quốc lộ lA tại KM 2.077 (điểm cuối dự án) thuộc huyện Châu Thành, thành phố Cần Thơ.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư tại quyết định số 61/QĐ-TTG ngày 17/1/2000, với tổng mức đầu tư 295 triệu USD.
Nguồn vốn: Vốn vay ưu đãi đặc biệt của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Chủ đầu tư: Bộ Giao thông Vận tải.
Đại diện Chủ đầu tư: Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận
Tư vấn thiết kế và giám sát thi công: Liên danh Công ty Nippon Koei và Công ty Chodai.
Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) và Công ty Tư vấn thiết kế phía Nam của Bộ GTVT (TEDI South) cộng tác với Liên danh Tư vấn trên để cung ứng nhân lực.
Dự án được khởi công ngày 25/9/2004, dự kiến thông xe vào tháng 12/2008. Dự án được chia thành 3 gói thầu xây lắp và 1 gói thầu tư vấn giám sát, cụ thể:
– Gói thầu số 1 (thi công phần đường dẫn bờ Vĩnh Long dài 5,41km: Liên danh Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long + Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 + Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Bộ GTVT);
– Gói thầu số 2 (thi công toàn bộ cầu chính và cầu dẫn): Liên danh của 3 nhà thầu Nhật Bản Taisei-Kajima-Nippon Steel, sau đây gọi tắt (TKN);
– Gói thầu số 3 (thi công phần đường dẫn phía Cần Thơ dài 7,69km) Tổng Công ty Xây dựng công trình Trung Quốc (CSCEC).
II. Tiến độ thực hiện dự án đến 25/9/2007
1. Gói thầu số 1
Các đơn vị hoàn thành cơ bản phần nền đường (đang gia tải). Bộ GTVT đang tích cực chỉ đạo các đơn vị khắc phục khó khăn (chủ yếu về tài chính) để đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là các tháng mùa khô sắp tới, nhằm hoàn thành tiến độ dự án. Tiến độ thực tế = 33,67% (kế hoạch = 50,57%).
2. Gói thầu số 2
Đến nay toàn bộ kết cấu phần dưới thuộc gói thầu số 2 đã hoàn thành, nhà thầu đang tiến hành thi công kết cấu phần trên. Ngày 26/9/2007 xảy ra sự cố sập 2 nhịp dầm hộp bêtông cốt thép trụ neo (từ trụ P13 đến P15) phía bờ Vĩnh Long, Bộ GTVT đang khẩn trương chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng tập trung khắc phục sự cố, sớm ổn định tình hình để tiếp tục thi công theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1402/CĐ-TTg ngày 27/9/2007. Tiến độ thực tế = 66,18% (kế hoạch = 63,67%).
3. Gói thầu số 3
Nhìn chung gói thầu đang thi công tích cực để hoàn thành đúng tiến độ dự án vào cuối năm 2008. Tiến độ thực tế = 42,24% (kế hoạch = 47,93%).
III. Sự cố
1 . Hạng mục xảy ra sự cố: Tại 2 nhịp trụ neo từ trụ P13 đến trụ P15 cầu chính (phía trụ tháp bờ Bắc, xã Mỹ Hoà, huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long), thuộc gói thầu số 2 Dự án xây dựng cầu Cần Thơ.
2. Mô tả sơ lược về hạng mục
– Về móng cọc các trụ P13; P14 và P15: Theo thiết kế kỹ thuật được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1174/QĐ-BGTVT ngày 28/4/2003 là sử dụng cọc khoan nhồi với đường kính Ø l.5m, sâu 75.0m (bản vẽ do Tư vấn Nippon Koei., & Chodai co., Ltd trình ngày 10/02/2003).
Theo thiết kế bản vẽ thi công do nhà thầu TKN trình ngày 30/12/2005 và được Tư vấn giám sát Nippon Koei., & Chodai co., Ltd kiểm vào ngày 23/2/2006 với đường kính Ø 1.5m, sâu 75.0m.
– Thời gian thi công cọc cho các trụ trên từ 20/5-17/10/2006 (~ 5 tháng), theo hồ sơ hoàn công do nhà thầu TKN trình ngày 26/01/2007 và được Tư vấn giám sát Nippon Koei., & Chodai co., Ltd kiểm tra phê duyệt vào ngày 28/4/2007, thực tế thi công các cọc đường kính Ø 1.5m, khoan đến cao độ – 76,650 (chiều sâu thực tế cọc là 75.0m).
– Hai nhịp trụ neo từ trụ P13 đến trụ P15 là dầm hộp (chiều cao hộp h=2,27m) bằng bêtông cốt thép dự ứng lực (L nhịp = 40m), được thi công theo phương pháp đúc tại chỗ trên đà giáo và căng dự ứng sau. Toàn bộ hệ đỡ là giàn thép gối lên trên 3 trụ P13, P14, P15 và 2 trụ tạm bằng thép đặt trên hệ móng cọc bêtông cốt thép. Mỗi trụ tạm có 2 móng với kích thước một móng là 4.5m x 5m, được đóng 14 cọc bê tông cốt thép, kích thước 30cm x 30 cm, dài 36m. Hai nhịp này có kết cấu dầm hộp liên tục và chia thành 14 khối để thi công bê tông. Ngày 9/8/2007, tiến hành đổ khối đầu tiên, ngày 25/9/2007 đổ khối thứ 11. Theo lịch thi công, ngày 26/9/2007 chỉ tiến hành thi công cốt thép và ván khuôn để chuẩn bị cho khối thứ 12.
Vào khoảng 7h 55’ ngày 26/09/2007, khi các công nhân bắt đầu ca làm việc thì sự cố đột nhiên xảy ra. Toàn bộ hệ thống đà giáo, ván khuôn chống đỡ phần kết cấu dầm hộp bêtông cốt thép đã bị sập đổ và khối lượng bê tông dầm đã thi công khoảng 2000m3 đã bị phá hủy hoàn toàn.
IV. Xử lý hiện trường
1. Ngay sau khi sự cố xảy ra, Bộ trưởng Bộ GTVT đã cử Ban chỉ đạo giải quyết sự cố do Thứ trưởng Thường trực Ngô Thịnh Đức làm Trưởng ban và các thành viên là cán bộ các cơ quan tham mưu giúp việc của Bộ GTVT đang tháp tùng Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức công tác các tỉnh phía Nam, đồng thời báo cáo nhanh Thủ tướng Chính phủ về sự cố. Đoàn công tác có mặt tại hiện trường sau khi tai nạn xảy ra gần 1 giờ.
Đảng bộ, chính quyền thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã khẩn trương huy động mọi lực lượng và phương tiện của quân đội, công an, y tế, các bệnh viện trung ương và địa phương đóng trên địa bàn 2 tỉnh, thành, nhân dân, sinh viên phối hợp với lực lượng của nhà thầu và của Bộ GTVT tập trung cấp cứu tại chỗ người bị nạn, sau đó dùng canô, xuồng cao tốc và các loại phương tiện khác vận chuyển người bị nạn tới cấp cứu tại các bệnh viện ở thành phố Cần Thơ. (Quân y 121, Đa khoa TW, Đa khoa Cần Thơ, Tây Đô, 30/4) và Vĩnh Long (Đa khoa Bình Minh).
14 giờ chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ GTVT đã bay vào để trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ tại hiện trường.
Nhà thầu chính TKN cảm nhận rõ trách nhiệm của mình, huy động mọi lực lượng hiện có và gửi nhiều chuyên gia từ Nhật Bản sang, đồng thời chủ động đề xuất nhiều giải pháp có hiệu quả cứu nạn cứu hộ. Nhiều lãnh đạo cao cấp nhất của Liên danh thầu chính TKN, Liên danh Tư vấn Thiết kế và Tư vấn giám sát, các quan chức JBIC, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Tổng Lãnh sự tại thành phố Hồ Chí Minh cũng có mặt chỉ đạo khắc phục sụ cố, thăm hỏi động viên những người gặp nạn và chia buồn cùng gia đình người tử nạn.
Đánh giá chung công tác cứu hộ cứu nạn được thực hiện hết sức khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao, có sự phối hợp rất chặt chẽ, với phương châm cứu người bị nạn là trên hết dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng với Bộ trưởng, Thứ trưởng Thường trực Bộ GTVT, lãnh đạo Cần Thơ, Vĩnh Long, lãnh đạo QK9 suốt ngày đêm 24 giờ/24 giờ.
Do 2 nhịp sụp đổ (mỗi nhịp dài 40m, nặng khoảng 3000 tấn) tạo nên mối liên kết lỏng lẻo hết sức nguy hiểm, để đảm bảo an toàn cho người bị thương, người tham gia cứu nạn và cả thi thể người tử nạn, thời gian đầu đã không sử dụng thiết bị nặng.
Đến ngày 29/9/2007, công tác tìm kiếm ngày càng trở nên khó khăn phức tạp hơn và cấp bách hơn. Tại những vị trí dự đoán phía dưới có thi thể của 3 người cuối cùng còn mất tích là khối bê tông lớn quá dày và quá cứng. Vì vậy phải sử dụng thiết bị nặng để phá. Tuy nhiên đến ngày 1/10/2007 vẫn không tìm thêm được ai.
Cùng với việc cứu nạn, các cơ quan liên quan đã tổ chức thu thập chứng cứ như quay phim, chụp hình theo quy định tại điểm c, mục 2, Điều 35 của Nghị định 209/2004/NĐ-CP.
Khi xảy ra tai nạn và trong quá trình giải quyết hậu quả, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã trực tiếp hoặc có điện chỉ đạo, động viên các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ đồng thời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân bị thương và gia đình những người tử nạn.
Các bộ, ngành, các đoàn thể xã hội, các tỉnh thành, nhân dân trong cả nước, kiều bào ở nước ngoài, từ các cháu thiếu nhi đến các cụ già với truyền thống, đạo lý “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, đã dành sự quan tâm đặc biệt, sự thương cảm sâu sắc, sự giúp đỡ về vật chất, sức lực và cả máu cho những anh em gặp nạn và gia đình.
2. Thiệt hại về người đến ngày 3/10/2007
– Số người chết: 53 người.
– Số người bị thương: 80 người.
– Số người mất tích: 1 người.
3. Tổ chức tang lễ
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chiều ngày 30/9/2007, Bộ GTVT đã chủ trì, phối hợp với tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ tổ chức Lễ truy điệu các kỹ sư, công nhân tử nạn ngay tại hiện trường xảy ra sự cố (xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, Vĩnh Long). Tham dự buổi lễ có đồng chí Trương Vĩnh Trọng – Ủy viên BCT, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Norio Hatori, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND Cần Thơ và Vĩnh Long, lãnh đạo Nhà thầu TKN, Tư vấn Nhật Bản cùng rất đông bà con nhân dân địa phương.
Với niềm tiếc thương vô hạn, những người dự lễ đã dành một phút mặc niệm và thắp nén hương tiễn đưa những người đã khuất về cõi vĩnh hằng.
Buổi lễ đã diễn ra trang nghiêm, đảm bảo an toàn, an ninh.
V. Công tác điều tra, xác định nguyên nhân sự cố
1.Theo Luật Xây dựng và Nghị định số 209/2004/NĐ-CP trong đó có các quy định về xử lý sự cố công trình, Bộ đã:
– Thành lập Tổ công tác bao gồm các chuyên gia kỹ thuật cao cấp để thu thập số liệu, lập đề cương nghiên cứu và đánh giá nguyên nhân sự cố;
– Chỉ định công ty tư vấn độc lập thực hiện công tác đánh giá nguyên nhân sự cố;
– Yêu cầu TKN và Tư vấn giám sát tự đánh giá nguyên nhân của sự cố.
2. Một số cơ quan của Nhật đã cử chuyên gia sang xem xét hiện trường và hồ sơ để xác định nguyên nhân sự cố.
3. Các đơn vị có liên quan của Bộ GTVT và nhà thầu TKN đang hợp tác với cơ quan công an phục vụ công tác điều tra.
VI. Một số khó khăn và dự kiến công việc tiếp theo
1. Khó khăn
– Trong 2 ngày qua, nhiều công nhân đã rời bỏ hiện trường gây thiếu hụt nhân lực. Nhà thầu chính một mặt đã phải huy động cán bộ và kỹ sư ra công trường, mặt khác thuê tạm công nhân của nhà thầu khác nhưng được rất ít và công nhân lại bỏ đi sau thời gian làm việc ngắn. Nguyên nhân có thể do anh em đã thấm mệt cả về thể chất và tinh thần sau mấy ngày liên tục tham gia cứu hộ cứu nạn, đặc biệt là phải chứng kiến những cảnh tang thương cũng như do không khí nặng mùi.
– Các khối bê tông đổ vỡ rất lớn và cứng;
– Mặt bằng hạn chế, gần khu vực dân cư nên cùng lúc không thể đưa nhiều thiết bị lớn vào hiện trường;
– Mưa nhiều.
2. Trước khó khăn trên Ban chỉ đạo đã giải quyết như sau
– Tiếp tục và khẩn trương công tác tìm kiếm người mất tích, tập trung vào các vị trí phía dưới điểm gãy của hai tấm bê tông cốt thép (nhịp thuộc trụ 13, 14) nằm sâu hơn 2m dưới lòng đất và dưới đống sắt thép còn lại (nhịp thuộc trụ 14, 15), trước mắt sử dụng lực lượng hiện có và lực lượng của QK 9;
– Lãnh đạo huyện Bình Minh tiếp tục động viên, chăm người bị nạn và gia đình, hỗ trợ tìm hiểu nguyên nhân đồng thời vận động anh em quay trở lại làm việc;
– Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long điều động đủ ngay các công nhân kỹ thuật đến tham gia cứu nạn. Ngay chiều 1/10/2007 đã có 3 đơn vị gửi lực lượng của mình tham gia cứu nạn (Công ty 620 – Tổng Công ty XDCTGT 6: 25 người, Công ty cầu 3 – Tổng Công ty XD Thăng Long: 24 người, Công ty TNHH Thảo Thuận: 10 người).
– Đề nghị Bộ Tư lệnh công binh nghiên cứu sử dụng kỹ thuật vi nổ phá dỡ bê tông sau khi công tác tìm kiếm người mất tích kết thúc. Bộ Tư lệnh công binh đã lập phương án báo cáo Ban Chỉ đạo để tổ chức thực hiện.
Bộ GTVT báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng: Hồ Nghĩa Dũng
Nguồn: VietNamNet